may chieu | nau an ngon | mon an ngon | may xay sinh to | may tinh xach tay | qua tang tinh yeu |
Không ít tiến sĩ được đào tạo ở nước ngoài bằng học bổng từ ngân sách Nhà nước đã từ chối về làm việc tại các cơ quan cũ với lý do lương thấp, môi trường và điều kiện làm việc không thuận lợiMinh họa: Nguyễn Tài
Ba năm sau khi làm tiến sĩ (TS) tại Pháp theo diện học bổng 322 (học bổng đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước), mức lương giảng viên của anh T. tại một trường ĐH chuyên về công nghệ lớn của Hà Nội chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Dù vậy, anh T. vẫn quyết định ở lại trường cũ làm giảng viên, bỏ qua nhiều lời mời hấp dẫn của các công ty trong và ngoài nước.
Lương tiến sĩ chỉ đủ thuê nhà
Tuy nhiên, không phải ai cũng chịu làm như anh T. Anh P., một TS theo diện học bổng 322 của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết phần lớn TS diện 322 trở về trường sau khi hoàn tất khóa học ở nước ngoài nhưng cũng có người dứt khoát ra đi với lý do thu nhập và môi trường làm việc không phù hợp. Một TS diện 322 cho biết ngay sau khi nhận bằng TS, anh trở về trường cũ với nhiều tâm huyết, đưa ra nhiều cải tiến trong việc dạy và học nhưng đều bị lãnh đạo khoa "chặn" lại với nhiều lý do khác nhau. "Những ấp ủ không thành hiện thực đã khiến tôi chán nản nên nghỉ dạy. Tôi nghỉ dạy vì môi trường làm việc chứ không phải vì lương" - TS này cho biết.
Ngoài môi trường làm việc, với nhiều người, thu nhập là lý do để họ quyết định chọn nơi làm việc. Một TS từng là giảng viên của một trường ĐH khá danh tiếng cho biết anh phải "tự giải thoát" cho mình. Gần một năm sau khi về nước, với mức lương TS chưa đến 3 triệu đồng/tháng, anh chỉ đủ trả tiền thuê phòng trọ và điện nước. Tuy nhiên, cũng có người chấp nhận mức lương thấp nhưng lại "chân trong, chân ngoài". Sau khi về nước, một TS diện 322 ký hợp đồng giảng dạy dài hạn với trường cũ nhưng phần lớn thời gian, TS này lại dành cho việc chính ở công ty riêng. Đây là cách để khỏi phải hoàn trả học bổng được Nhà nước cấp trong hơn 3 năm học ở nước ngoài.
Vẫn sống tốt ở cơ quan cũ
Để giữ chân các giảng viên trẻ được đào tạo ở nước ngoài, lãnh đạo nhiều trường ĐH phải tìm đủ cách để giảng viên của mình có thêm thu nhập. Một TS của trường ĐH có thể coi là lớn nhất phía Bắc cho biết anh và một số đồng nghiệp vẫn ở lại trường vì có thể sống bằng nghề dạy. Ngoài tham gia nghiên cứu khoa học, các TS ở trường này còn được nhiều nơi mời giảng dạy. "Thu nhập từ tham gia giảng dạy các chương trình liên kết cũng không phải nhỏ. Ngoài ra, tôi còn có thể dạy thêm cho sinh viên của một số trường khác" - TS này cho biết. Với mức thù lao khoảng 500.000 - 600.000 đồng/tiết dạy, nếu so với mặt bằng chung, thu nhập của một TS chịu khó lên lớp cũng thuộc loại khá.
Nói về việc TS diện 322 bỏ nơi làm việc cũ sau khi học ở nước ngoài trở về, lãnh đạo một trường ĐH thẳng thắn: "Cơ chế và môi trường làm việc không tốt là lực cản lớn đối với sự trở về của nhiều giảng viên. Đây là vấn đề đã tồn tại nhiều năm và không dễ gì khắc phục. Tuy nhiên, cũng phải nói rắng nhiều giảng viên trẻ "ra đi" trong khi chưa cống hiến được bao nhiêu so với những gì họ đã được hưởng từ học bổng 322". Vị lãnh đạo này cũng phân tích: Nhiều cử nhân tốt nghiệp khá giỏi chấp nhận vào trường làm giảng viên chỉ để được đi học nước ngoài. Hiện nay, làm luận án TS theo diện học bổng 322 dễ hơn rất nhiều so với họ phải tự tìm học bổng ở nước ngoài. Từ năm 2000 đến hết 2010, đã có 4.590 người du học theo học bổng 322, trong đó có 2.268 TS. Đến nay, đã có 3.017 người về nước, trong đó có 1.074 TS, 984 thạc sĩ, 233 thực tập sinh và 726 sinh viên đại học. Nguồn: Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ GD-ĐT |
50% lưu học sinh bồi hoàn kinh phí Ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài - Bộ GD-ĐT, cho biết đã có trên 50% số lưu học sinh diện phải bồi hoàn kinh phí đã thực hiện bồi hoàn cho Nhà nước. Tuy nhiên, theo ông Vang, Nhà nước cần sửa đổi quy định về bồi hoàn kinh phí vì có nhiều lưu học sinh không về cơ quan cũ nhưng lại chuyển sang cơ quan Nhà nước khác làm việc. Như vậy, họ cũng phục vụ Nhà nước nên vấn đề bồi hoàn phải tính khác. Trong quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020, cần hơn 75.800 giảng viên ĐH, trong đó có 14.283 TS và khoảng 38.000 thạc sĩ. Với mục tiêu này, số người được cử đi học tại nước ngoài trong những năm tới sẽ tăng nhiều. Về việc đổi mới môi trường làm việc để giữ chân người tài, ông Vang cho rằng đây là một thách thức đối với cơ quan sử dụng lao động. Để làm được việc này, các cơ quan sử dụng lao động phải tạo ra chính sách hoặc môi trường làm việc hấp dẫn. Đến lúc nào đó, các cơ quan Nhà nước cũng sẽ phải cạnh tranh nhau để có cán bộ tốt. Khi đó, người tài mới sẽ có điều kiện làm việc tốt hơn. |
Yến Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét